Quỹ Tầm Vóc Việt
đang là nhà tài trợ lớn nhất, hỗ trợ xây dựng 1.000 nhà vệ sinh trường học ở Việt Nam - Ảnh: Quỹ Vì tầm vóc Việt cung cấp
Sau nhiều năm liên tục giữ vị trí hàng đầu thế giới về sản lượng gạo xuất khẩu, ngành hàng lúa gạo Việt Nam đang từng bước chuyển đổi sang giảm lượng, tăng chất, tăng giá bán. Theo đó, cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu đã có sự thay đổi, dần chuyển dịch sang các loại gạo có giá trị gia tăng cao như gạo thơm, gạo đặc sản, gạo hữu cơ, gạo Japonica... Mục tiêu là tăng kim ngạch xuất khẩu và nâng cao đời sống cho nông dân trồng lúa.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm 2022 đến giữa tháng 9/2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 5,02 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 2,44 tỷ USD, tăng lần lượt 19% và 9% so với cùng kỳ năm 2021. Tính trung bình 8 tháng đầu năm 2022, giá gạo xuất k hẩu đạt 486,5 USD/tấn, trong cơ cấu chủng loại lượng gạo thơm, gạo chất lượng cao đứng vị trí hàng đầu. Trước đó, năm 2021, trong tổng số lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam là hơn 6,2 triệu tấn, tỷ trọng gạo chất lượng cao chiếm hơn 89%. Năm 2020, xuất khẩu gạo đạt 6,15 triệu tấn, trị giá đạt khoảng 3,07 tỷ USD, các loại gạo thơm, chất lượng cao chỉ chiếm khoảng 40% kim ngạch xuất khẩu.
Điểm qua các số liệu tiêu biểu cho thấy, trong ba năm trở lại đây, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã có bước chuyển mình rõ rệt. Điều này xuất phát từ chính sách tái cơ cấu ngành nông nghiệp; trong đó có tái cơ cấu ngành lúa gạo với hướng điều chỉnh mạnh mẽ, thay đổi quy trình canh tác và tập trung nâng cao chất lượng gạo. Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Lê Thanh Tùng cho biết, chất lượng gạo xuất khẩu được nâng cao xuất phát từ việc tập trung đẩy mạnh gieo trồng các giống lúa thơm, lúa chất lượng cao. Cụ thể vụ hè thu 2022, toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long xuống giống 1.493 nghìn ha, thì giống lúa thơm, đặc sản đạt 15,24 %; giống lúa chất lượng cao đạt 68,33%, tăng 20,33% so với cùng kỳ.
Mặt khác, tình hình sử dụng giống xác nhận trong vụ hè thu 2022 cũng đạt tới 77,3%; sử dụng giống nguyên chủng là 0,25%. Cũng trong chương trình thực hiện tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo, tập trung ưu tiên đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất với các giải pháp thực hiện như 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp IPM và ICM. Đặc biệt, với việc giảm khối lượng hạt giống lúa gieo sạ trên một đơn vị diện tích đã giúp giảm chi phí đầu tư về hạt giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật từ 2 đến 3 triệu đồng/ha tùy từng vùng sản xuất. Bên cạnh đó, việc tăng tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận và nguyên chủng cũng giúp tăng năng suất và chất lượng lúa gạo hàng hóa, chi phí sản xuất giảm đáng kể, mang lại lợi nhuận cao hơn cho người sản xuất và tăng lợi thế cạnh tranh cho ngành hàng lúa gạo xuất khẩu, nhất là trong bối cảnh giá phân bón và vật tư đầu vào liên tục tăng cao trong thời gian qua.
Ngoài thay đổi về giống lúa thì một trong những “mắt xích” quan trọng trong tái cơ cấu ngành lúa gạo là liên kết, nhất là liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp để tạo ra chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ khép kín. Những năm qua, mối liên kết này vẫn được coi là “nút thắt” lớn nhất đối với sản xuất lúa gạo, nên khi được tháo gỡ, đã tạo ra sự biến chuyển nhanh chóng cho ngành hàng lúa gạo cả ở khâu sản xuất và kinh doanh. Một trong những mô hình liên kết nổi bật thời gian qua là sự hình thành các liên hiệp hợp tác xã. Đây là những mô hình điểm về liên kết sản xuất lớn: nông dân vẫn giữ đất canh tác, nhưng phải tuân thủ theo kế hoạch, quy trình sản xuất của doanh nghiệp để tạo ra sản phẩm chất lượng; doanh nghiệp bảo đảm đầu ra sản phẩm và lợi nhuận cho nông dân. Nhờ đó, chất lượng lúa gạo từng bước được nâng cao, đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện không chỉ của từng khu vực xuất khẩu mà còn của từng quốc gia xuất khẩu.
Tại thị trường EU, gạo Việt Nam đã bước đầu “đặt nền móng” cho tiến trình xác lập thương hiệu thông qua lượng gạo xuất khẩu tăng dần theo từng năm với giá bán ở mức cao, từ 800 đến hơn 1.000 USD/tấn. Cụ thể, đầu tháng 9 năm 2022, lần đầu tiên sản phẩm gạo mang thương hiệu riêng “Cơm Việt Nam Rice” của Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời được giới thiệu tới người tiêu dùng nước Pháp. Cùng với lợi thế từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), “cánh cửa” cho gạo Việt xuất sang EU đang rất rộng mở. Bên cạnh đó, tại thị trường Nhật Bản, gạo ST25 mang thương hiệu A An của Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long đã vượt qua gần 600 tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe để chính thức được nhập khẩu và bày bán tại các siêu thị của Nhật Bản từ cuối tháng 6 năm nay.
Tới đây, Tập đoàn sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu các dòng sản phẩm gạo chủ lực khác như ST24, ST24 Organic và Japonica sang Nhật Bản.